Chùa Ông, tên gốc tiếng Hán là Quảng Triệu Hội Quán (theo đại tự ghi ở tiền điện), sở dĩ có tên gọi như trên là do nguồn gốc chùa vốn là hội quán của một nhóm người Hoa thuộc hai phủ Quảng Châu và Triệu Khánh (Quảng Đông, Trung Quốc) theo dòng di dân người Hoa sang lưu trú ở đất Trấn Giang (tức Cần Thơ xưa) vào thế kỉ XVII – XVIII
Chùa Ông là một ngôi chùa có kiến trúc độc đáo, toàn bộ ngôi chùa được xây dựng theo hình chữ Quốc với các dãy nhà khép kín. Ở giữa thì có một không gian trống, gọi là giếng trời. Cả ngôi chùa được sử dụng khung màu sáng, rực rỡ, tươi mới, nhưng vẫn giữ được nét cổ kính với các ngói âm dương với gờ ngói màu men xanh thẫm.
Nổi bật nhất trong nghệ thuật điêu khắc ở chùa Ông là những phù điêu. Phù điêu chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong trang trí. Phù điêu hiện diện khắp nơi từ các bao lam, hoành phi, liễn đối, xà ngang… bằng nghệ thuật chạm nổi với nội dung vô cùng phong phú được rút ra từ các huyền thoại, lịch sử Trung Quốc, hoặc kỹ thuật chạm chìm những đề tài mai, lan, cúc, trúc, rồng, phụng, cá hóa long, bông lúa…
Chùa thờ Quan Thánh Đế quân (tức Quan Công) ở chính điện nên nhân dân địa phương quen gọi một cách dân dã là Chùa Ông. Ngoài ra, một số người còn gọi di tích tôn giáo này là Chùa Bà vì ngoài việc thờ các vị nam thần, nơi đây còn thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Phật Bà Quan Âm, đây cũng là một đặc điểm riêng trong tín ngưỡng thờ cúng của ngườI Hoa – chùa Hoa. Ngôi chùa được xây dựng vào năm Quang Tự thứ 20 (1894) và tồn tại cho đến ngày nay với kiến trúc hầu như còn nguyên vẹn từ hình dáng bên ngoài đến trạm trổ nội điện. Và chùa được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa quốc gia từ năm 1993.