Cần Thơ Chợ Nổi Cái Răng

Nhắc đến sông nước miền Tây của Việt Nam là người ta sẽ nhớ ngay đến Chợ Nổi. Và khi đã nói đến Chợ Nổi thì không thể nào không nhắc đến Chợ Nổi Cái Răng ở Cần Thơ. Một trong ba chợ  nổi lớn nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nét độc đáo và đặc điểm chính của khu chợ nổi tiếng này là chuyên buôn bán các loại trái cây, đặc sản của vùng sông nước Tây Nam Bộ. Về miền Tây mà chưa đi chợ nổi thì coi như là một thiếu xót rất lớn ạ ?

Đến Cần Thơ bằng cách nào?

Có ba cách để từ Sài Gòn đến Cần Thơ: một là đi xe máy, hai là xe buýt. Bạn có thể chọn đi xe buýt để tiết kiệm năng lượng và thư giãn nghỉ ngơi trước một chuyến hành trình.

Có khá nhiều chuyến xe khác nhau di chuyển giữa hai thành phố; bạn nên chọn Thành Bưởi (hotline 1900 6079) với giá 115,000 VND/lượt đi. Ngoài ra bạn cũng có thể chọn mua vé xe Phương Trang theo số 1900 6067.

Nếu bạn muốn đi xe máy hãy tìm đường tới quốc lộ 1A, sau đó đi theo hướng cầu Mỹ Thuận, hãy rẽ trái theo hướng đi về Cần Thơ. Trên đường có khá nhiều biển chỉ dẫn nên bạn không sợ bị lạc đâu nhé. Đi xe máy sẽ tốn của bạn khoảng 4 giờ đi xe.

Làm sao để tham quan chợ nổi Cái Răng:

Tới Cần Thơ, bạn hãy tìm tới bến Ninh Kiều, để đi thuyền ra chợ nổi Cái Răng. Khu chợ này nằm trên sông Cái Răng, cách trung tâm thành phố khoảng 6 km đường bộ.

Nếu cần một dịch vụ chỉnh chu, Bạn có thể chọn đặt tour tại công ty Du Lịch Cantho Tourist ở gần ngay bến Ninh Kiều. Nếu bạn đi đông thì có thể thuê thuyền riêng cũng được nhé, thuyền có thể chở được từ 10 tới 12 người với giá từ 500,000 VND tới 800,000 VND tuỳ vào khả năng mặc cả của bạn.

Thời điểm để đi chợ nổi hợp lý nhất là tầm 5 giờ sáng. Do vậy, hãy đảm bảo bạn thật tỉnh táo để có một chuyến tham quan chợ nổi đầy thú vị nhé. Bạn sẽ mất khoảng 30 phút để di chuyển từ bến tàu đến chợ.

Điều gì tạo nên sự thú vị ở chợ nổi Cái Răng

Sự thú vị đã nằm trong chính cái tên của nó. Vì sao lại là chợ nổi? Đây là một mô hình chợ đã có từ thời khai khẩn miền Nam xa xưa. Nơi cả người bán và người mua đều dùng các phương tiện giao thông thủy như xuồng ghe để vận chuyển và giao dịch. Lưu vực sông được chọn không nên quá rộng và quá sâu, vì như vậy sẽ bất lợi cho việc di chuyển, neo đậu cũng như rất nguy hiểm. Tên gọi Cái Răng thật ra là một tên gọi đã được Việt hóa từ chữ Kran/Karan (tiếng Khmer), hay còn được gọi là Cà Ràng. Đó là tên của một vật dụng giống như cái lò đất nung được sử dụng trong đời sống hàng ngày.

Bạn có thể thưởng thức ăn sáng trên thuyền một trãi nghiệm nên có khi đến Cần Thơ

Nói về tuổi của chợ nổi Cái Răng thì đã hơn 1 thế kỷ. Nếu bạn từng biết đến chợ nổi ở Thái Lan mang tính du lịch hóa rất cao thì chợ nổi Cái Răng nói riêng cũng như các chợ nổi khác nói chung lại mang tính văn hóa bản xứ nhiều hơn; người dân vận hành và duy trì chợ nổi như một nét văn hóa mua bán lâu đời. Thời xa xưa, chợ nổi còn có mô hình trao đổi hàng hóa rất thú vị: người có gạo sẽ đổi với người có rau, không hẳn là phải dùng tiền để mua bán với nhau.

Mỗi một chiếc ghe sẽ bán một món hàng khác nhau, từ hoa quả ngon lành tươi rói của miền Tây tới những đồ gia dụng cần thiết cho cuộc sống thường ngày. Chủ các chiếc ghe sẽ treo món đồ mình bán lên một cây sào – người dân ở đây gọi là cây “bẹo” để người mua có thể dễ dàng nhận ra. “Bán gì thì bẹo nấy”, vì không phải dễ dàng để mọi người có thể nghe được tiếng rao hàng do eo sèo mặt nước với tiếng động cơ, nên các thương lái đã nghĩ đến hình thức này. Thú vị hơn, có một thứ được treo trên ghe tàu mà không bao giờ được bán. Các bạn có đoán được là gì không? Đó là quần áo của người dân lái buôn, do có những người họ không phải là dân địa phương mà phải bôn ba từ những vùng sông nước khác để tới mua bán, do vậy tàu ghe ngoài là phương tiện vận chuyển, đó còn là “nhà” của họ nữa. Và cũng không quên nhắc đến một hình thức treo bẹo độc đáo: đó là treo lá dừa nước. Nếu bạn thấy hình ảnh này, đừng vội lầm tưởng là họ bán lá dừa nước nhé, mà thật ra là họ đang muốn bán ghe đấy ạ. Từ xa xưa, lá dừa nước gắn bó với người dân miền Tây vì được họ dùng để lợp nhà; và tàu ghe cũng giống như ngôi nhà của người lái buôn. Giờ bạn đã hiểu vì sao rồi nha ?.

Cách bày trí món hàng được bán trên tàu
Cách bày trí món hàng được bán trên tàu

Chưa hết nhé, các món ăn cũng được bán trên ghe luôn. Bạn sẽ không thể nào quên cảm giác ngồi trên chiếc ghe nhỏ chòng chành trên dòng nước và thưởng thức bát bún riêu đậm chất miền Tây (giá 15,000 VND nhé). Ngoài ra nếu bạn muốn ăn trái cây tươi thì có thể nhờ người bán hàng gọt luôn cho nhé, họ cực kì thân thiện đấy. Thậm chí là đóng hàng mang về ?.

Sự thú vị sẽ tăng gấp bội nếu bạn đến thăm chợ nổi vào đúng dịp cận Tết Nguyên Đán, các ghe tàu bán hoa Tết sôi nổi và nhộn nhịp hẳn hơn những ngày bình thường.

Người miền Tây hiền hòa
Người miền Tây hiền hòa

Người dân nơi đây rất thân thiện, bạn có thể thoải mái chụp hình, trò chuyện. Bạn có thể tận mắt trông thấy cuộc sống sông nước nay đây mai đó của người dân nhưng lúc nào họ cũng vui vẻ, hạnh phúc.

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.